giaoducmybactrunghoc_1-3647075
Tôi không tìm thấy nhiều thông tin về bậc Tiểu học của Mỹ. Hơn nữa tôi chỉ muốn tập trung chuyên sâu khám phá kỹ về giáo dục của Mỹ từ bậc Trung học trở lên là được rồi. Điều này lẽ ra tôi nên làm từ trước khi Bình An đi học ở Mỹ. Nhưng thôi, giờ đây tôi làm cũng được, chắc không đến nỗi gọi là trễ !

giaoducmybactrunghoc_1-5860911
Sơ đồ cấu trúc hệ thống giáo dục bậc Trung học của Mỹ.

Lại một lần nữa tôi muốn nhắc lại:
Giáo dục Trung học (và Tiểu học) là bắt buộc ở Mỹ, và
Mỗi bang, mỗi học khu có thể có chính sách giáo dục và chương trình đào tạo khác nhau, nên những trình bày dưới đây chỉ mang tính chung nhất.

1. Các loại chương trình giáo dục bậc Trung học

Academic (Trường phổ thông): Loại hình trường này nắm chuẩn bị nền tảng kiến thức tổng quát cho học sinh có thể tiếp tục học lên Đại học, Cao đẳng hay trường dạy nghề. Bài viết dưới đây chủ yếu trình bày thông tin liên quan đến loại trường phổ thông.
Vocational (Trường dạy nghề): Thông thường các trường dạy nghề bắt đầu sau bậc Trung học, tức là thuộc loại giáo dục post-secondary. Tuy nhiên cũng có trường hợp chương trình dạy nghề được đưa vào những năm cuối của bậc Trung học. Mục tiêu của trường dạy nghề rất cụ thể là nhằm chuẩn bị cho học sinh một mức kỹ năng nhất định và chuyên biệt để có thể đi làm ngay. Các chương trình dạy nghề thường kéo dài tối đa 2 năm.
Technical (Trường kỹ thuật).

Thực ra tôi chưa tìm được thông tin để phân biệt thật rõ ràng “vocational school”“technical school”. Tuy nhiên một chút khác biệt ban đầu có thể kể đến là, trường có thời gian đào tạo từ 6 tháng trở lên thì thường đó là vocational school (kiến thức nghề nhiều, hiểu biết chuyên môn rộng), thời gian ít hơn là technical (kiến thức ít, hiểu biết chuyên môn hẹp). Tôi tạm hiểu (mà không chắc đúng hoàn toàn): nghề tạo mẫu tóc thì học ở bậc vocational, còn nghề cắt tóc thì học ở technical school.

2. Các thời gian đào tạo ở bậc Trung học (Secondary education)

Bậc Trung học đại trà phổ thông ở Mỹ hoàn toàn có thể lê dài từ 6 năm đến 8 năm :

Hệ thống 6 năm: Chỉ có một giai đoạn từ lớp 7 đến 12. các trường này thuộc loại Combined Junior-Senior High Schools. Để vào học trường này, học sinh phải ít nhất đã hoàn thành lớp 6 ở bậc Tiểu học.

Hệ thống 7 năm: Chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là các trường Junior High Schools (từ lớp 6 đến lớp 9), giai đoạn sau đó là Senior High Schools (từ lớp 10-12). Để vào học trường này, học sinh phải ít nhất đã hoàn thành lớp 5 ở bậc Tiểu học.

Hệ thống 8 năm: Cũng có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là các trường Middle Schools (từ lớp 5-8, có khi chỉ từ lớp 6-8), giai đoạn sau đó là 4-year High Schools (từ lớp 9-12). Để vào học trường này, học sinh phải ít nhất đã hoàn thành lớp 4 ở bậc Tiểu học.

Trong trường hợp học sinh đã hoàn tất chương trình học lớp 8 ở một trường Tiểu học thì sẽ chuyển tiếp học Trung học tại một trường theo chế độ bốn năm (4-year High Schools). Bình An đang theo học chương trình 4-year High School tại Westbury Christian School, Houston (TX).

3. Vài thuật ngữ

Academic year (năm học): Thường bắt đầu từ tháng Tám, kết thúc vào tháng Năm.
Semester system (hệ thống đào tạo theo học kỳ): Một năm học chia ra hai học kỳ. Mỗi học kỳ thường kéo dài 15 tuần. Trường có thể nhận học sinh mới vào học kỳ Thu (Fall semester, bắt đầu từ tháng Tám) hay học kỳ Xuân (Spring semester, bắt đầu từ tháng Một).
Quarter system (hệ thống đào tạo theo quý): Một năm học chia làm bốn quarters. Mỗi quater kéo dài 9-10 tuần.
Term: Tên gọi chung về một giai đoạn đào tạo (academic session, academic term), đôi khi được dùng thay cho quarter hay semester. Trường Westbury ChristianSchool nơi Bình An theo học áp dụng cách chia một năm học ra làm 3 terms.

Subject (môn học): Có thể kéo dài trong nhiều semester/quarter. Ví dụ: History, Geography.
Course (lớp học, khóa học): Kéo dài trong một semester/quarter. Ví dụ: English I, English II.
Credit (tín chỉ): Là một khái niệm về đơn vị học tập/đào tạo được tính bằng thời gian. Một tín chỉ thường được định nghĩa là 50 phút học lý thuyết mỗi tuần suốt một học kỳ 15 tuần (semester credit) hay suốt một quý 10 tuần (quarter credit). Tùy theo từng lớp học/khóa học (course), có thể được quy định tương đương 1 credit (hay ít hơn, là 0.5 credit). Ví dụ: Lớp English I tương đương 1 credit, lớp Health tương đương 0.5 credit. (Sẽ có bài viết riêng về credit)

Grade (xếp loại kết quả học tập, lớp): Thông thường kết quả học tập/thi của học sinh được đánh giá theo một thang phân loại từ A (xuất sắc) đến F (bị rớt, rất kém). Grade mang tính định tính nhiều hơn.
Score (điểm): Được cho trên kết quả học/thi của học sinh theo một thang điểm từ 0 đến 100. Score mang tính định lượng.

4. Chế độ đào tạo

Đào tạo ở bậc Trung học Mỹ là theo hệ thống tín chỉ. Nghĩa là, tất cả các môn học và lớp học đều được quy về tương đương với một số lượng tín chỉ nhất định. Học xong chương trình học là hoàn tất hết số lượng các tín chỉ theo yêu cầu, chứ không phải hết năm học. Do đó, về mặt lý thuyết, học sinh có thể hoàn tất chương trình 4 năm Trung học khi học chưa đủ 4 năm.

5. Cấu trúc chương trình

Chương trình đào tạo bậc Trung học Mỹ thường gồm các phần sau:
Môn học bắt buộc (required courses/subjects): Là những môn học truyền thống như Toán, Vật lý, Hóa học, Ngôn ngữ (Tiếng Anh), Sinh học, …
Môn học tự chọn (elective courses/subjects): Tâm lý học, Nghệ thuật, Âm nhạc, Business (Introduction), Ngoại ngữ (tiếng Tây Ban Nha), Health, …
Yêu cầu khác: Có thể có một số yêu cầu khác nữa tùy theo từng bang, từng vùng. Nhưng thông thường, những yêu cầu này không trực tiếp thuộc lĩnh vực học tập, mà phổ biến nhất là yêu cầu mỗi học sinh phải thực hiện ít nhất 20 giờ phục vụ cộng đồng (community services) mỗi năm học.

6 Đánh giá kết quả học tập

Về cơ bản, người ta sử dụng gradescore để đánh giá kết quả học tập của hoc sinh. Sự liên hệ giữa gradescore (Bảng dưới đây chỉ là ví dụ, mỗi trường có thể quy định sự liên hệ khác nhau.):

giaoducmybactrunghoc_2-9428972

7. Những yêu cầu cho việc tốt nghiệp Trung học

Một chương trình đào tạo 4 năm trung học có thể yêu cầu học sinh phải hoàn tất từ 20-24 credits. Tại bang Texas, học sinh được công nhận hoàn tất chương trình Trung học nếu đã đạt được tối thiểu 22 credits trong bốn năm. Vậy trung bình mỗi năm học sinh phải hoàn tất 5,5 credits, và mỗi học kỳ phải hoàn tất 3 credits. Riêng trường Westbury Christian School (Houston, TX) yêu cầu học sinh phải hoàn tất 28 credits trong bốn năm học.
http://ritter.tea.state.tx.us/rules/tac/chapter074/ch074f.html

Ngoài ra, tùy trường, hoàn toàn có thể học viên muốn được công nhận tốt nghiệp Trung học còn phải có điểm thi SAT trong vòng hai năm cuối ( lớp 11, 12 ) .

7. Bằng cấp hay giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học

Học sinh đạt đủ tiêu chẩn để hoàn tất chương trình học high school sẽ được cấp bằng tốt nghiệp, gọi là High School Diploma. Có nhiều mức bằng tốt nghiệp (sắp xếp từ cao tới thấp, và tùy theo từng bang, không nhất thiết có đủ tất cả các loại bằng dưới đây):

Commonwealth Diploma: Là bằng tốt nghiệp Trung học do bang Kentucky cấp, được xem là “cao cấp” nhất vì để đạt được bằng này học sinh đã phải hoàn thành nhiều lớp học AP, cũng như có điểm GPA cao. (Điểm GPA sẽ được đề cập vào một bài viết khác.)
Honors diploma: Để đạt được bằng này học sinh phải hoàn thành một số lớp học AP (Advanced Placement courses) hay lớp IB (International Baccalaureate courses) và có điểm GPA tối thiểu là 3.
College prep diploma (ví dụ, được cấp bởi một số trường ở bang Florida): là bắng tốt nghiệp cấp cho học sinh đã hoàn thành chương trình Trung học chuẩn bị cho học sinh vào college hay university (college preperatory high schools gọi tắt là prep schools).
Standar diploma: Học sinh đã hoàn thành các yêu cầu về môn học tối thiểu để tốt nghiệp.

Riêng những học sinh không đạt đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp sẽ chỉ được cấp giấy chứng nhận đã theo học (certificate of attendance).

Ở Mỹ, tốt nghiệp high school là một thành tích có tính biểu tượng với người trẻ tuổi. Họ đã hoàn thành yêu cầu giáo dục căn bản cho công dân bởi luật của Mỹ. Do vậy, các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp (high-school graduation ceremony) cho học sinh thường diễn ra long trọng. Các học sinh được xướng tên, sau đó họ đi lên bậc cao và nhận bằng của mình.

8. Chứng thực đạt chuẩn (accreditation)

Do thực trạng giáo dục ở Mỹ quá phong phú và có thể có nhiều khác biệt ở các vùng, miền nên việc chứng thực đạt chuẩn (giáo dục) là yêu cầu rất quan trọng để giá trị bằng cấp của một nơi này (hay trường này) được công nhận ở một nơi khác (hay trường khác). Có thể nói vắn tắt, chứng thực đạt chuẩn là sự công nhận một học khu (hay một trường, một chương trình đào tạo) bảo đảm được yêu cầu về chất lượng đào tạo ở một mức độ nào đó. Một học khu (hay một trường, một chương trình đào tạo) được chứng thực đạt chuẩn tức là chất lượng đào tạo từ nơi đó được bảo đảm, bằng cấp từ nơi đó cấp được chấp nhận trên toàn nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong thực tế, đôi khi cũng có sự “chệch” giữa chứng thực đạt chuẩn cấp vùng và cấp quốc gia (regional vs national accreditation). Đó là trường hợp xảy ra khi học sinh có các tín chỉ từ một trường được chứng thực đạt chuẩn từ một tổ chức chứng nhận cấp quốc gia (nationally accredited school), nhưng khi chuyển tiếp những tín chỉ đó đến một trường có chứng nhận đạt chuẩn bởi một tổ chức chứng nhận cấp vùng (regionally accredited school) lại không được chấp nhận! Lý do? Các trường được tự quyền đặt ra các chuẩn riêng của mình. Và, trong một số trường hợp các trường cho rằng chuẩn của mình, được chấp thuận bởi các tổ chức thẩm định vùng, còn cao hơn cả chuẩn quốc gia.

Duy trì chứng thực đạt chuẩn là việc phải làm hàng năm của các học khu hay các trường.

9. Trường công và trường tư (public vs private school)

Các trường công lập có nhiệm vụ cung cấp sự tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng trong lứa tuổi phải đi học bất kể người đó có là công dân Mỹ hay là thường trú nhân hay không. Một đứa trẻ chưa có giấy tờ hợp pháp để định cư tại Mỹ hoàn toàn có thể xin đi học. Nhưng chỉ là đi học thôi, và việc đi học không có làm thay đổi gì tình trạng pháp lý về cư trú của đứa trẻ. Trường công thường không có thẩm quyền cung cấp tờ giấy I-20 cho học sinh quốc tế (ngoại trừ trường hợp exchanged students), văn bản cần thiết để xin hay chuyển đổi visa đi học tại Mỹ.

Các trường tư thục (ở Mỹ phân biệt hai loại trường tư, non-profit và for-profit, chỉ nhận học sinh đủ những điều kiện nhất định vào học, và đương nhiên phải đóng tiền. Nhiều trường tư được có thẩm quyền cấp giấy I-20 để tiếp nhận học sinh quốc tế. Một số lớn các trường tư là trường tôn giáo (phần lớn là Thiên chúa giáo), nên trong chương trình học của họ, học về Kinh thánh (Bible) là một môn học bắt buộc. (Trong khi đó ở trường công lập, tuyên truyền tôn giáo là việc bị cấm hoàn toàn).

Một số trang web cung cấp thêm thông tin:
http://www.tea.state.tx.us/
http://www.schoolwisepress.com/smart/dict/dict.html
http://www.uta.fi/FAST/US5/REF/glossary.html
http://dt.ussh.edu.vn/index.php?Itemid=91&id=194:phuongthucdaotaotheotinchi&option=com_content&view=article
http://pdt.hcmuaf.edu.vn/contents.php?ids=2065&ur=pdt

nội dung

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *